Các trường đại học đã sẵn sàng đón sinh viên quay trở lại
Các trường vừa xây dựng kế hoạch học tập và đảm bảo an toàn dịch bệnh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội đã có thể quay lại trường học.
Ngày 14/2, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến kiểm tra công tác mở cửa đón sinh viên trở lại học tập trung của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội).
Vừa dạy học, vừa phòng chống dịch bệnh
Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác đã đến kiểm tra một số lớp học trực tiếp.
Báo cáo tại buổi làm việc, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế Quốc dân cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, nhà trường đã xây dựng đề án, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón sinh viên trở lại học tập trung bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Hiện có khoảng 50% sinh viên trở lại trường học trực tiếp. Sáng nay (14/2), sinh viên đã bước vào buổi học trực tiếp đầu tiên sau thời gian dài học online
Sau khi đi kiểm tra thực tế một số lớp học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức cho sinh viên trở lại trường học tập trung là cần thiết.
Đó vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhà trường và cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Tổ chức dạy học khoa học và hợp lý
Báo cáo về hoạt động đón sinh viên trở lại trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: “Việc mở cửa trường học có lộ trình từng bước. Với những lớp đang tổ chức thi online từ trước Tết Nguyên đán chưa nhất thiết phải trở lại trường, mà vẫn tiếp tục thi trực tuyến.
Từ tuần sau, số sinh viên trở lại trường sẽ tiếp tục tăng lên. Dự kiến 3 tuần sau, nhà trường sẽ đón toàn bộ sinh viên trở lại để học tập trung”.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo trường Đại học Giao thông Vận tải, khó khăn hiện nay là: nhà trường đang thực hiện triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ (1 sinh viên tham gia nhiều học phần và 1 lớp học phần có nhiều sinh viên ở các lớp khác nhau).
Vì vậy, trường hợp xuất hiện F0 trong thời gian học trực tiếp thì nhiều lớp học phần phải chuyển sang học trực tuyến, dẫn đến tình trạng sinh viên vừa phải học trực tiếp, và phải học trực tuyến.
Ngoài ra, việc bố trí cho sinh viên đi học thực tập trực tiếp ở một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vì thực tế hiện có một số đơn vị không nhận sinh viên thực tập.
Đánh giá cao những nỗ lực khắc phục khó khăn của trường Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức cho sinh viên trở lại trường học tập trung là cần thiết.
Trường cần nắm chắc dữ liệu thông tin của sinh viên, từ đó mới có quyết định đúng và trúng. Bên cạnh đó, cần cập nhật thường xuyên tình hình tiêm chủng của sinh viên, diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời.
Thứ trưởng đề nghị, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, làm tốt công tác tiêm chủng cho sinh viên chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ tối thiểu 2 mũi và có biện pháp hỗ trợ, xử lý nếu xuất hiện những trường hợp F0.
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, nhà trường cần tổ chức phương án dạy học khoa học. Theo Thứ trưởng, đưa sinh viên trở lại trường, không có nghĩa là 100% sinh viên học trực tiếp. Với những học phần học trực tuyến tốt hơn thì có thể tiếp tục triển khai áp dụng phương án này.
Cần sớm đón trẻ mầm non trở lại trường
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với tỉnh Nam Định về đánh giá việc tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, giải pháp mà tỉnh Nam Định đã và đang thực hiện gồm rà soát lại chương trình cốt lõi, tạm hoãn những hoạt động chưa cấp bách để tận dụng thời gian vàng tổ chức dạy những nội dung trọng tâm, kiến thức nền tảng.
Lựa chọn nền tảng công nghệ để sẵn sàng chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến.
Địa phương cũng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo các kịch bản phù hợp với điều kiện và bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng độ tuổi dựa vào mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục mầm non.